Cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp gia đình-nhà trường
Ông Nguyễn Bá Ninh cho rằng, Thông tư số 55 áp dụng trong các trường mầm non, mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học là cơ sở pháp lý để cha mẹ học sinh có trách nhiệm tham gia sâu, rộng cùng với nhà trường trong việc giáo dục toàn diện học sinh trên cơ sở được tổ chức và hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định một cách chặt chẽ, đầy đủ.
Trong những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện việc phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục; đồng thời cha mẹ học sinh cũng có nhiều đóng góp, ủng hộ tích cực bằng vật chất và tinh thần cho nhà trường vì sự nghiệp giáo dục chung.
Tuy nhiên, quá trình phối hợp chưa thực sự phát huy hiệu quả, hoạt động còn mang tính hình thức. Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Bá Ninh cho rằng, chủ yếu phụ huynh mới liên hệ để nhận lại thông tin về giáo dục của con em mình và hoàn thành các khoản đóng góp, ủng hộ nguồn lực tài chính; chưa thực hiện đầy đủ và phát huy đúng mục đích, ý nghĩa, nội dung của Thông tư 55.
Nguyên nhân chính, chủ quan từ phía nhà trường đã được nêu cụ thể trong các kết luận của các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và quản lý thu chi hàng năm. Việc khắc phục, thay đổi từ hiệu trưởng nhà trường ở các cấp học còn hạn chế, thậm chí có trường theo chiều hướng không muốn phối hợp để hoạt động giáo dục.
Vai trò quan trọng của người đứng đầu nhà trường
Nhấn mạnh việc xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của cha mẹ học sinh trong việc tham gia cùng với nhà trường thực hiện giáo dục toàn diện học sinh là nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới công tác quản lý nhà trường, ông Nguyễn Bá Ninh yêu cầu hiệu trưởng các trường tổ chức thực hiện đầy đủ và phát huy đúng mục đích, ý nghĩa, nội dung của Thông tư 55; đồng thời lưu ý:
Nhà trường phải chủ động tổ chức việc phối hợp để cha mẹ học sinh (Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường - hình thành theo Thông tư 55) tham gia vào giáo dục toàn diện học sinh trong trường theo các mức độ, phạm vi, nội dung hợp lý; tập trung vào giáo dục để hoàn thiện đạo đức, nhân cách, tình cảm.
Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là một chủ thể giáo dục của nhà trường, được nhà trường chủ động giao quyền cho giáo viên chủ nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện nhằm giáo dục hoàn thiện đạo đức, nhân cách, tình cảm học sinh của lớp mình.
Ban đại diện cha mẹ học sinh trường là một chủ thể giáo dục của trường, do hiệu trưởng chủ động phối hợp tổ chức thực hiện nhằm giáo dục hoàn thiện đạo đức, nhân cách, tình cảm học sinh của nhà trường.
Quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ giáo dục của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường phải được thực hiện bằng kế hoạch cụ thể, rõ ràng.
Kinh phí hình thành cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường hoạt động ở mỗi năm học được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư 55.
Ông Nguyễn Bá Ninh nhấn mạnh: Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường sẽ tạo ra nguồn lực và thêm động lực cho nhà trường khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (các hoạt động giáo dục trải nghiệm và kỹ năng sống,... bên ngoài nhà trường).
Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, trường học phải tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tầm quan trọng, nội dung, phương pháp, cách làm từ trong CBQL đến đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các tổ chức đoàn thể.
Từ đó, chuyển qua tổ chức trao đổi sâu, kỹ với Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, nhằm thông suốt, nhất trí hợp tác với tinh thần trách nhiệm vì học sinh, để học đại diện tham gia vào giáo dục toàn diện học sinh của từng lớp, đúng với mục đích, ý nghĩa của Thông tư 55.
"Chúng tôi cũng yêu cầu những trường có điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí phòng làm việc cho Ban đại diện cha mẹ học sinh để thuận lợi trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trong hoạt động giáo dục học sinh. Định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, khả thi, hiệu quả cao" - ông Nguyễn Bá Ninh cho biết thêm.